Việc trao đổi thông tin giữa kẻ mua – người bán quá giản đơn, lại ở nơi công cộng ai cũng có thể đọc được khiến nhiều đối tượng xấu, người bán hàng không chân chính lợi dụng để cướp khách hòng thu lợi bất chính.
Hết nói xấu, tráo hàng rẻ chất lượng kém,… bán hàng trên Facebook giờ còn kết bạn với những ông, bà chủ khác có cùng mặt hàng để tiện bề “cướp khách”.
Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu người dùng Facebook, chủ yếu là đối tượng trẻ gồm học sinh sinh viên và giới nhân viên văn phòng – nhóm đối tượng có nhu cầu mua sắm cao. Nhờ sự tiện lợi, các loại hình dịch vụ, kinh doanh online trên Facebook ngày càng nở rộ. Người mua chỉ cần xem thông tin giới thiệu sản phẩm rồi comment (bình luận) xác nhận qua Facebook hoặc fanpage của người bán là một giao dịch được hoàn thành.
1. Chèn số điện thoại và cảnh báo trong comment
Khi trả lời bình luận của khách hàng về sản phẩm, bạn nên thêm số điện thoại và cảnh báo họ. Ví dụ: “Chào bạn, shop mình chỉ tư vấn và nhận đặt hàng bằng số điện thoại 093xxxxxxx, các số điện thoại khác đều là giả”.
Cách này phù hợp với các đối tượng thường xuyên sử dụng Facebook, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, nó bị hạn chế đối với những đối tượng trung tuổi, ở quê hay ít sử dụng Faebook vì họ không thường xuyên hoặc không có thời gian vào đọc comment của bạn dẫn đến thông tin không được nắm bắt kịp thời hoặc đã bị lãng quên, lúc đó mọi chuyện đã quá muộn.
2. Sử dụng phần mềm ẩn bình luận của khách hàng
Khi mua hàng, khách hàng thường có thói quen để lại thông tin như số điện thoại, địa chỉ,…. vào bình luận trong bài viết của bạn khiến cho đối thủ dễ dàng “giật” đơn. Để khắc phục tình trạng “ăn chặn” này, các chủ shop kinh doanh online trên Facebook nên sử dụng một số công cụ hỗ trợ ngăn chặn tình trạng giành giật khách hàng như Hana, Pancake, Mpage,…. Những công cụ này làm được gì? Nó có thể ẩn các comment chứa số điện thoại, địa chỉ, email,… của khách hàng làm cho đối thủ không thể lấy được thông tin của người mua hàng.
Bạn có thể tùy chọn ẩn những bình luận có chứa các từ khóa như: điện thoại, dien thoai, đt, dt, số đt, sđt, sdt, địa chỉ, đc, dc, email… Khi đó, các comment của khách hàng có chứa các từ trên sẽ bị ẩn đi, chỉ có quản trị viên mới nhìn thấy những bình luận này nên những đối thủ xấu không thể cướp khách của bạn được nữa.
3. Tạo ra phong cách riêng biệt của shop bạn
Bạn nên tạo cho shop online của mình những dấu hiệu đặc biệt giúp khách hàng dễ dàng nhận biết, không nhầm lẫn với các shop khác và đặc biệt nhất là đối thủ không thể bắt chước. Chẳng hạn, shop online có thể tạo logo, con dấu “độc” cho shop và in lên bao bì sản phẩm sau đó dặn dò khách hàng chỉ nhận những sản phẩm có logo hoặc con dấu như trên.
4. Thay đổi thói quen mua hàng của khách hàng
Mặc dù có trong tay thủ thuật hay phần mềm hỗ trợ nhưng để chấm dứt triệt để tình trạng cướp khách hàng từ các shop đối thủ thì bạn cần thay đổi thói quen của khách hàng. Thay vì shop tiếp nhận thông tin hoặc đơn hàng của khách trên comment Fanpage thì bạn nên hướng khách vào chuyển sang cung cấp thông tin qua inbox hoặc đặt hàng trực tiếp qua điện thoại, website của shop. Tuy nhiên không phải “một sớm một chiều” có thể thay đổi được thói quen này của khách hàng mà là một quá trình dài hơi đòi hỏi chủ shop kinh doanh online phải kiên trì và triệt để ngay từ ban đầu.
KẾT:
Không có con đường nào trải hoa hồng cả, nhưng “cái khó nó ló ai khôn”- ông bà ta ngày xưa nói chớ có sai. Trong cuộc chiến gay gắt trên Facebook, bạn cần có những thủ thuật, kết hợp các công cụ hỗ trợ marketing automation và có một chiến lược bán hàng tốt mới có thể giành chiến thắng, thành công hơn nữa.