TUẦN LỄ “FASHION REVOLUTION”

Fashion Revolution là một tổ chức phi lợi nhuận đã có mặt trên gần 100 quốc gia, tổ chức này được sáng lập vào năm 2013 tại London bởi hai nhà thiết kế thời trang Orsola de Castro và Carry Somers. Tổ chức nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ các tên tuổi lớn trong ngành thời trang như Stella McCartney, Lily Cole và Lauren Laverne,…

Tuần lễ Fashion Revolution diễn ra từ ngày 23 – 29/04/2018. Đây là lần kỷ niệm thứ 5 sau thảm họa sập tòa nhà cao tầng Rana Plaza tại Bangladesh đã làm khoảng 300 người thiệt mạng và 1,138 người bị thương vào năm 2013. Các nạn nhân trong cuộc thảm họa hầu hết là những công nhân may mặc, họ được trả lương thấp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thời trang với mức giá hợp lý của người tiêu dùng. Tuần lễ Fashion Revolution khuyến khích hàng triệu người và các hãng thời trang với hashtag #whomademyclothes. Khi càng nhiều người tự hỏi rằng “who made my clothes” thì càng nhiều thương hiệu thời trang phải lắng nghe họ, người tiêu dùng thời trang sẽ phải lưu tâm đến người làm ra những sản phẩm mà họ đang mặc là ai. Cuộc cách mạng thời trang này mang lại sự minh bạch trong chuỗi cung ứng, sự bền vững và cả tôn chỉ đạo đức trong ngành công nghiệp thời trang.

Tổ chức Fashion Revolution đồng hành cùng “thời trang bền vững” (sustainable fashion hay eco-fashion) và đi ngược lại với “thời trang nhanh” (fast fashion). Fast fashion có thể được dịch nôm na là thời trang “mì ăn liền” khi mà người ta dễ dàng mua các mẫu trang phục với giá rẻ và mặc trong thời gian ngắn. Khi thời buổi hiện đại tác động lên cuộc sống con người, khiến con người sống một cách vội vã, “thời trang nhanh” xuất hiện và vươn lên mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu ăn mặc của hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, người ta đã ước tính rằng ngành thời trang đứng thứ 2 trên thế giới sau ngành dầu mỏ về tác hại đến môi trường. Câu hỏi đặt ra là vì sao? Các nhãn hàng thời trang như H&M, Zara, Peacocks, Primark, Xcel Brands hay Topshop đã đi theo dòng “thời trang nhanh” này. Họ sản xuất sản phẩm với số lượng lớn và bán với giá thành phải chăng; mỗi năm các nhãn hàng thời trang này đã thải ra một số lượng lớn quần áo khiến dư thừa sản phẩm mặc, mẫu mã thay đổi nhanh chóng và những quần áo bỏ đi dần trở thành rác thải.

Trong khi trái đất đang nóng dần lên, khi môi trường sống đang bị hủy hoại, khi các nhà máy sử dụng thuốc nhuộm vải hóa học gây hại đến môi trường và sức khỏe con người, da và lông động vật được sử dụng làm thành những món đồ thời trang, hay những chất liệu giả da làm từ nguyên liệu PVC gây hại môi trường. “Thời trang bền vững” được tạo ra nhằm đảm bảo các yếu tố thân thiện với môi trường và hệ sinh thái. Các sản phẩm thời trang được làm từ các nguyên liệu không thải chất độc hại trong quá trình sản xuất, hao tốn ít năng lượng để sản xuất và có thể tái chế. Việc sử dụng các nguyên liệu làm từ sợi tự nhiên như cotton, linen, wool hoặc silk kết hợp với kỹ thuật nhuộm tự nhiên (Eco Dyeing), đan móc, dệt thủ công,…sẽ phần nào giảm thiểu các vấn nạn về môi trường và đề cao ý thức trách nhiệm xã hội. Đồng thời, những sản phẩm của “thời trang bền vững” sẽ giúp kéo dài thời gian sử dụng và mang lại sự thoải mái, an toàn cho người mặc.

Hòa cùng tuần lễ “Fashion Revolution”, những người yêu thời trang cùng chung tay kiến tạo nên những sản phẩm thời trang bền vững mang giá trị tinh thần lẫn vật chất. “Fashion Revolution” được dự báo sẽ trở thành xu hướng thời trang của tương lai, là một xu hướng văn minh khi các sản phẩm thời trang hoàn toàn thân thiện với môi trường một cách tích cực nhất, lâu bền nhất. Tuy rằng thời gian và kinh phí đầu tư cho xu hướng này là một con số không hề nhỏ, nhưng nó mang lại một môi trường sống trong lành, hệ sinh thái ổn định và trái đất là ngôi nhà chung bền vững của con người.

Nhut Minh Tran

0937 48 3969