FASHION DRAPING LÀ GÌ?

Fashion draping hay gọi là draping hoặc còn được gọi là 3D được nói về 1 kỹ thuật tạo mẫu mới trên ma-nơ-canh (Mannequin/Dressform).

Trong thời đại đổi mới và phát triển, ngành thiết kế thời trang vươn mình lên trở thành một ngành thời thượng; cùng mới nhu cầu ăn mặc, thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của xã hội đã tạo điều kiện để các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo những mẫu thời trang hiện đại và chuyên nghiệp. Quá trình hiện thực hóa một sản phẩm thời trang đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và cả sự kiên nhẫn của người làm nghề.

Nhưng làm thế nào để chúng ta đi từ bản phác thảo đến sản phẩm cuối cùng? Kỹ thuật dựng rập 3D trên dressform – tiếng Anh gọi là “Three Dimensional Modeling of Garment Drape” hay gọi tắt là Fashion Draping – là sự lựa chọn tối ưu của các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trên thế giới.

Theo dòng lịch sử thời trang hiện đại, những nhà thiết kế đã và đang tiếp tục khám phá các khối hình mới trong thời trang bằng kỹ thuật dựng rập 3D; nổi bật nhất phải kể đến những nhà thiết kế tên tuổi đầu thế kỷ XX như Madame Grès – nhà thiết kế được mệnh danh là “Nữ hoàng Draping”, Pauline Trigère, Madeline Vionnet, Cristobal BalenciagaHalston.

Fashion Draping là gì?

Fashion Draping là một phần đóng vai trò quan trọng trong thiết kế thời trang; là quá trình phủ vải, định vị và ghim vải lên ma-nơ-canh còn gọi là người nộm, cốt để phát triển cấu trúc của mẫu trang phục được thiết kế. Dựa vào những mẫu rập căn bản, nhà thiết kế có thể linh hoạt điều chỉnh cấu trúc trang phục trực tiếp trên ma-nơ-canh, thao tác này giúp sáng tạo mẫu thiết kế mới đa dạng và độc đáo.

Fashion Draping giúp các nhà thiết kế thời trang phát triển và sáng tạo những mẫu thiết kế mới mang phong cách cá nhân, phương pháp và kỹ thuật dựng rập 3D dễ dàng định hình ngay lập tức form dáng của mẫu thiết kế; nó còn giúp nhà thiết kế thực hiện mẫu trang phục đúng với ý tưởng ban đầu.

Loại vải nào phù hợp để Draping?

Draping được thực hiện trên vải mộc (toile/muslin), nói cách khác đây là loại vải nháp giúp nhà thiết kế dễ dàng giải quyết các vấn đề tạo khối, lên form dáng trang phục trước khi chuyển sang rập phẳng 2D. Vải mộc dùng để Draping cần phải có độ nặng và độ dày tương đương so với loại vải chính dùng để may lên mẫu thật. Ngoài ra, nhà thiết kế vẫn có thể sử dụng các loại vải như: satin, chiffon, lycra, linen,…  để Draping nhưng khuyến khích ưu tiên sử dụng vải mộc trắng; bởi trong quá trình thực hiện, nhà thiết kế có thể dễ dàng vẽ, viết trực tiếp lên vải mộc. Bên cạnh đó, với giá thành thấp, chất liệu vải mộc giúp giảm thiểu chi phí trong quá trình thiết kế.

Vì sao nhà thiết kế thời trang nên học kỹ thuật Draping?

Ngày nay kỹ thuật Draping càng được phổ biến và trở thành một môn học thu hút số đông vì tính nhanh gọn, chính xác và hiệu quả cao; môn học này nổi lên như một chìa khóa tạo nên sự khác biệt làm nên phong cách của một nhà thiết kế thời trang. Nhờ có Draping, nhà thiết kế có thể dễ dàng hiểu và sáng tạo không ngừng đem lại những mẫu trang phục thiết kế ấn tượng, vừa vặn với cơ thể.

Tại các nước phát triển và đứng đầu về ngành thời trang như Pháp, Anh, Ý,… kỹ thuật dựng rập 3D trên ma-nơ-canh được các nhà thiết kế sử dụng như bước đầu tiên trong quá trình thực hiện một sản phẩm thiết kế; kỹ thuật này còn được xem là kỹ thuật truyền thống từ những ngày đầu xuất hiện ngành công nghiệp thời trang hiện đại trên thế giới.

Tại Việt Nam, kỹ thuật này được biết đến trong khoảng 10 năm nay nhờ sự hợp tác với các trường thời trang Châu Âu của một số trường Đại học Việt Nam trong chương trình đào tạo ngành thời trang. Từ năm 2008, ngành thời trang tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã bắt đầu nổi lên từ việc trau dồi kiến thức thời trang cũng như kỹ thuật dựng rập 3D từ các sinh viên, giảng viên, nhà thiết kế làm việc trong các công ty, thương hiệu thời trang. Đến nay, kỹ thuật dựng rập 3D không còn xa lạ với người học thiết kế thời trang, học viên được đào tạo bài bản để đáp ứng thị trường kịp thời. Từ năm 2010 trở đi, các công ty thời trang tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng kỹ thuật này trong quá trình thiết kế sản phẩm; sản phẩm thiết kế được mô phỏng mẫu ban đầu – từ chuyên ngành gọi là Prototype – để đưa ra các thiết kế chuẩn xác trước khi chuyển qua bộ phận làm rập phẳng 2D, sau đó đi vào sản xuất theo số lượng.

Cơ hội việc làm từ kỹ năng này?

Kỹ năng Draping rất có giá trị đối với một nhà thiết kế thời trang; đa số các công ty thời trang trên địa bàn TP.HCM đều đang tìm kiếm và tuyển dụng những ứng viên thành thạo về kỹ năng Draping. Trong thị trường thời trang đầy tính cạnh tranh ngày nay, các công ty thời trang ra sức đưa ra những phương pháp tối ưu để chiếm lĩnh thị trường, phù hợp thị hiếu thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu ăn mặc của người tiêu dùng. Có thể thấy, thị trường thời trang Việt Nam, nhất là TP.HCM luôn đòi hỏi sự bắt nhịp xu hướng thời trang thế giới, tính thẩm mỹ, sự khác biệt trong thiết kế v.v… Chính vì thế, nhà thiết kế thời trang sở hữu kỹ năng Draping là lợi thế rất lớn để tìm cho mình những cơ hội được làm việc trong các công ty thời trang uy tín.

Nhut Minh Tran

Các bạn cần có kiến thức về cắt may, biết rập phẳng 2D cơ bản để có thể học draping cơn bản và nâng cao.

Bạn tìm hiểu thêm về chương trình:

Thông tin tư vấn:

Hotline: 0937 48  39 69

Email: tuvan@kent.vn

Hoặc chat với tư vấn ngay:

 

0937 48 3969